Tạng tâm

17/12/2023
1.Theo Kinh dịch, tạng Tâm ứng với Quẻ Ly của Hậu thiên bát Quái. Quẻ Ly ở phương Nam, thuộc Hỏa, chỉ mùa hạ. Tâm tượng Ly vì cùng mang thuộc tính của Hỏa là nóng, là sáng, thuộc kinh thủ Thiếu âm, đứng đầu 12 khí quan nên gọi là “Thiếu âm quân chủ”. Sách Tố vấn – Thiên Linh lan bí điển và ngũ tạng sinh thành viết : “ Tạng tâm là một cơ quan quân chủ, thần minh do đó mà sinh ra…Cho nên, nếu chủ sáng suốt thì dưới yên. Lấy lẽ đó để dưỡng sinh thì sống lâu, trọn đời không đau ốm…Chủ không sáng suốt thì 12 cơ quan sẽ nguy, sứ đạo vít lấp, thân hình bị thương. Lấy lẽ đó để dưỡng sinh thì sinh đau ốm và Tạng tâm hợp với mạch, vinh ra ở sắc”. Hai chức năng quan trọng nhất của tạng Tâm là tàng thần và chủ huyết mạch.
Tâm “mạch” lấy thông suốt làm gốc. Mạch do tạng Tâm làm chủ cần đảm bảo sự thông suốt để đảm bảo chức năng dẫn khí huyết nuôi dưỡng cơ thể, tạng phủ, quan tiết…các nguyên nhân gây cản trở sự vận hành của huyệt mạch đều ảnh hưởng đến chức năng các cơ quan cơ thể, thậm chí làm suy giảm chức năng của thần.
Tâm “thần” lấy thông minh làm chủ. Chức năng chủ thần của tạng Tâm bình thường thì tinh thần hưng phấn, tình chí trong sáng, tư duy nhanh rõ ràng, đáp ứng phản xạ linh hoạt; ngược lại thần bị che mờ sẽ biểu hiện tinh thần, ý thức, tư duy…bất thường như mất ngủ, hay mê, bứt rứt thậm chí rối loạn ngôn ngữ, phản ứng chậm chạp, có thể hôn mê.
2.Chức năng sinh lý:
2.1.Tạng Tâm chủ huyết thể hiện qua bốn phương diện chính: cốc khí hóa sinh thành huyết nhờ vào tạng Tâm; tạng Tâm chủ tuần hòa huyết dịch; Tâm huyết ảnh hưởng gián tiếp tới kinh nguyệt và Tâm huyết là nơi tàng chứa của thần.
Huyết là dịch thể màu đỏ tuần hoàn trong mạch, nhờ khí mà lưu hành khắp cơ thể. Huyết là một trong những vật chất cơ bản để tạo nên và duy trì hoạt động sống.
Tạng tâm đóng vai trò chủ đạo trong việc chuyển hóa cốc khí thành huyết; tạng Tâm chủ huyết và làm cho huyết dịch không ngừng được bổ sung; phủ Vị tiếp nhận và ngấu nhừ thủy cốc, đưa chất tinh hoa đến tạng Tỳ để tiếp tục chuyển hóa, hấp thu các chất dinh dưỡng. Các chất dinh dưỡng này là cốc khí được tạng Tỳ thăng tán lên tạng Phế, quá trình thay cũ đổi mới diễn ra ở đây, sau đó cốc khí được đưa tạng Tâm nhờ tạng Tâm dương hóa sinh cốc khí thành huyết.
Tạng Tâm chủ tuần hoàn vận hành huyết trong mạch nhờ chức năng Tâm khí. Cần chú ý, ngoài tạng Tâm thì các tạng Phế, Tỳ, Can cũng đóng vai trò trong quá trình tuần hoàn của huyết do tác động cua sự hành khí cơ của cơ thể.
Tạng Tâm khỏe mạnh mới có thể cung cấp huyết đầy đủ cho các cơ quan, tạng phủ. Khi chức năng này bị tổn thương (tâm huyết hư), quá trình tuần hoàn của huyết sẽ kém do Tâm huyết không đầy đủ, biểu hiện là tay lạnh. Cơ địa 1 người gầy yếu, Tâm huyết kém có khuynh hướng biểu lộ những rối loạn về tình chí, biểu hiện trên lưỡi, mạch; triệu chứng thường thể hiện bằng một đường nứt nông và dọc giữa lưỡi cùng với mạch nhược ở cả bộ vị tạng Tâm và tạng Thận.
2.2. Tạng Tâm tàng thần
Với nghĩa hẹp, thần là phức hợp những khía cạnh của trí tuệ, chức năng thần kinh của con người; với nghĩa rộng thần là toàn bộ tầm ảnh hưởng của yếu tố thần kinh, tinh thần và cảm xúc của con người (bao gồm tất cả yếu tố tinh thần và cảm xúc được chi phối bởi tất cả các tạng- Phế tàng phách, tạng Can tàng hồn, tạng Tâm tàng thần, tạng Tỳ tàng ý và trí và tạng Thận tàng chí).
Tạng Tâm kiểm soát các hoạt động tâm thần kinh, sự nhận thức và sự hiểu biết tri thức, các chức năng mà không một tạng nào có thể có, vì vậy mà tạng Tâm còn được gọi là Quân chủ. Tạng Tâm tàng thần phụ thuộc sự nuôi dưỡng đầy đủ của huyết và tạng Tâm chủ huyết nhờ vào thần. Vì vậy, mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa chức năng tạng Tâm chủ huyết và tạng Tâm tàng thần. Tâm huyết là gốc của thần, là nơi chứa đựng, bảo vệ và neo giữ thần và để thần có chỗ trú ngụ mà phát huy chức năng. Nếu tâm huyết không đủ để neo giữ thần, người bệnh có triệu chứng bứt rứt, trầm cảm, lo lắng và mất ngủ. Ngược lại, sự lo lắng, các rối loạn cảm xúc, buồn bã kéo dài có thể ảnh hửng đến Tâm huyết hư, biểu hiện hồi hộp đánh trống ngực, da tái nhợt và mạch không đều hoặc nhu nhược. Nếu tâm huyết có nhiệt, biểu hiện trên lâm sàng bồn chồn không yên, kích động và ngủ không ngon giấc.
 Ngoài khía cạnh hoạt động thần kinh, thần cũng ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc của cơ thể. Nếu tạng Tâm khỏe mạnh, thần sẽ khỏe mạnh và con người sẽ vui vẻ, thoải mái. Nếu tạng Tâm hư nhược, thần mất sinh lực và người bệnh sẽ cảm thấy buồn bã, trầm uất. Nếu trạng thái thực chứng, thần sẽ bị kích động, ảnh hưởng và người bệnh sẽ biểu hiện những triệu chứng của bệnh lý tâm thần như hưng trầm cảm.
2.2. Một số chức năng khác của tạng Tâm gồm Tạng Tâm chủ mạch; Tạng Tâm khai khiếu ra lưỡi; Tạng tâm vinh nhuận ra da; Tạng Tâm chủ hỷ; Tạng Tâm kiểm soát mồ hôi.
Trong đó Tạng Tâm chủ mạch: Tạng Tâm ảnh hưởng đến tình trạng của mạch và mạch là một trong ngũ thể (bì, nhục, cân, mạch, cốt). Tạng Tâm chủ mạch là có tác dụng đưa huyết dịch vận hành trong đường mạch, kiểm soát mạch. Tình trạng sinh lý của tạng Tâm sẽ phản ánh lên tình trạng của mạch, biểu hiện mạch phụ thuộc vào Tâm khí và Tâm huyết. Nếu Tâm khí đủ, mạch đầy và đều; Nếu Tâm khí hư yếu, mạch nhu nhược và không đều. Tạng Tâm không ngừng vận động đưa huyết dịch vận hành khắp cơ thể và là động lực thức đẩy huyết dịch tuần hoàn, từ đó duy trì được hoạt động sinh lý bình thường của cơ thể. Tạng Tâm, mạch và huyết hình thành một hệ thống tuần hoàn toàn thân, trong đó tạng Tâm có tác động chủ đạo. Tâm khí có đầy đủ thì mới thúc đẩy huyết dịch vận hành bình thường, lục phủ ngũ tạng mới có được sự nhu dưỡng của huyết để duy trì hoạt động sống. Khi Tâm khí suy thì huyết dịch vận hành bị trở ngại, nếu Tâm khí kiệt,  khí huyết ngừng lưu thông thì cuộc sống có thể chấm dứt. Như vậy, huyết dịch muốn vận hành cần hội đủ các điều kiện: mạch quản thông suốt, huyết dịch đầy đủ, Tâm khí thịnh thực.
Nếu Tâm hỏa vượng thì mặt đỏ, lưỡi đỏ đặc biệt là vùng chót lưỡi, nhai nuốt đau, mạch sác, cảm giác nóng trong ngực, khó vào giấc ngủ. Nếu Tâm huyết hư, mặt và lưỡi đều nhợt nhạt không nhuận sáng, mạch tế vô lực, cảm giác hồi hộp đánh trống ngực hay dễ giật mình. Nếu huyết ứ, sắc mặt và lưỡi đều ám tối, bề mặt da xuất hiện các vết bầm xanh tím, mạch sáp không lưu lợi, ngực cảm thấy đầy đau, nhẹ thoán qua, nặng thị đau dữ dội liên tục, sắc mặt tối, vã mồ hôi, chân tay lạnh..
Nếu tạng Tâm bình thường, lưỡi sẽ có màu đỏ nhạt và vị giác tốt; nếu tạng tâm có nhiệt thì lưỡi sẽ khô, đỏ tối; đầu lưỡi đỏ nhiều hơn và to bè, có thể có vị đắng trong miệng; Nếu nhiệt nhiều, lưỡi có thể có vết loét đỏ và đau. Nếu nhiệt nhẹ kèm huyết hư, lưỡi có thể nhợt và gầy; Tâm cũng ảnh hưởng đến khả năng nói và bất thường chức năng của Tâm có thể gây nói lắp và mất ngôn ngữ; sự mất điều hòa của Tâm có thể gây các triệu chứng bất thường như nói liên tục không ngưng nghỉ và cười không đúng lúc, không thích hợp.
Nếu huyết đầy đủ và tạng tâm khỏe mạnh, da sẽ hồng hào và sáng nhuận. Nếu huyết hư, da sẽ trắng nhợt hoặc tối; nếu tâm dương hư, da sẽ trắng sáng. Nếu tâm huyết ứ, da sẽ tím hoặc tối màu; nếu tạng Tâm có nhiệt, da sẽ đỏ.
(Các thông tin được trích dẫn tại trang 93-101 của Lý luận cơ bản Y học cổ truyền chủ biên TS.BS. Lê Bảo Lưu& Ths.BS. Tăng Khánh Huy)

 

Các bài tin khác

Zalo
favebook