Hệ thống phủ y học cổ truyền

17/12/2023
Phủ đởm có quan hệ biểu lý với tạng Can, thuộc dương mộc. Tạng can thuộc âm mộc, phủ đởm thuộc dương mộc. Phủ đởm nhận đởm trấp từ tạng Can, đởm trấp được dự trữ sẵn sàng để bài tiết khi cần thiết trong quá trình tiêu hóa. Phủ đởm là phủ duy nhất lưu trữ dịch sạch như đởm trấp. Đởm trấp được hóa sinh bởi tạng Can và dự trữ bởi phủ Đởm. Chức năng sơ tiết của can khí thúc đẩy quá trình bài tiết đởm trấp vào phủ đởm để dự trữ hoặc đưa đởm trấp vào phủ Tiểu trường để hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu thức ăn. Ngược lại, Đởm khí hỗ trợ quá trình thượng thăng của Can khí (trong mối tương quan về khí cơ giữa tạng Can và tạng Phế); Đởm khí còn giúp Can khí sơ tiết khí cơ của tạng Tỳ và phủ Vị, trong trường hợp sinh lý, Can khí sơ tiết giúp phủ Vị khí giáng và Tỳ khí thăng.
Rối loạn sự bài tiết đởm trấp sẽ làm ảnh hưởng chức năng thu nạp và vận hóa của Tỳ vị gây chán ăn, bụng đầy trướng, tiện lỏng nát…nếu thấp nhiệt uất kết Can Đởm sẽ làm tạng Can mất sơ tiết, đởm trấp sẽ lan tràn và thấm tiết ra ngoài gây vàng da vàng mắt, tiểu vàng…Đởm khí phải đi xuống mối thông thuận, nếu Đởm khí không xuống thì khí cơ thượng nghịch sẽ gây đắng miệng, buồn nôn, nôn dịch đắng, màu vàng xanh.
Phủ đởm chủ cân giống Tạng can, sự khác biệt là tạng Can nuôi dưỡng cân thông qua huyết do tạng can tàng trữ, thì phủ Đởm cung cấp khi cho cân để đảm bảo hoạt động của cân được linh hoạt và nhanh nhẹn.
(Trích dẫn tại trang 179-180 sách Giáo trình lý luận cơ bản y học cổ truyền, chủ biên TS.BS. Lê Bảo Lưu và Ths.BS. Tăng Khánh Huy)

Phủ vị là phủ quan trọng nhất trong lục phủ, cùng tạng Tỳ, phủ Vị được gọi là gốc của hậu thiên khí huyết. Phủ Vị là biển của thủy cốc, quan hệ biểu lý với tạng Tỳ, được gọi là thương lẫm chi quan (quan trông giữ, quản lý điều tiết lương thực), chủ về nhận, chứa đựng và làm chín đồ ăn thức ăn uống. Phủ Vị cùng phủ Đại trường, phủ Tiểu trường, phủ Đởm, phủ Bàng quang có chức năng chứa đựng và chuyển hóa, truyền tống đồ ăn thức uống, thủy cốc sau khi chuyển hóa sẽ được chuyển đi mà không giữ lại trong các phủ, đủ mà không đầy tràn, chiều chuyển hóa là đi xuống là thuận, lấy sự thông thoáng để thực hiện chức năng.
Phủ vị có chức năng:
1-chủ Thu nạp, ngấu nhừ thủy cốc (đồ ăn vào miệng qua hầu và thực quản xuống phủ Vị; các triệu chứng ợ nấc, buồn nôn và nôn cũng cho thấy rối loạn chức năng phủ Vị chủ thu nạp); ngấu như thức ăn (làm nhừ và chín).
 2-chủ Thông giáng (đưa thức ăn xuống phủ Tiểu trường). Tạng Can giúp sự thông giáng của Vị khí; trong điều kiện bình thường, Can khí đóng góp vào sự hạ giáng của Vị khí và do đó hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Nếu Can khí uất trệ ở Trung tiêu, nó sẽ cản trở sự thông giáng Vị khí, sinh ra ợ hơi, nấc cụt, buồn nôn và nôn. 3- chủ việc vận chuyển tinh hoa thủy cốc (Phủ Vị cùng với tạng Tỳ có nhiệm vụ vận chuyển tinh hoa thủy cốc đến toàn bộ cơ thể, nhất là các chi); tình trạng thực hư của phủ vị liên quan đến lớp rêu lưỡi, lớp rêu được hình thành bởi thấp trọc (sản phẩm phụ của hoạt động ngấu nhừ và làm chín thủy cốc) được Vị khí đưa lên đến bề mặt lưỡi để tạo thành lớp rêu. Lớp rêu mỏng màu trắng cho thấy phủ Vị đang hoạt động bình thường; không có lớp rêu cho tháy chức năng tiêu hóa của phủ Vị bị suy giảm và Vị khí bị suy yếu nghiêm trọng. Rêu dày màu trắng phản ánh hàn chứng; rêu dày màu vàng biểu thị nhiệt chứng.
4. nguồn gốc của Tân dịch: Vị đảm bảo rằng phần thủy dịch quan trọng từ đồ ăn thức uống không được vận hóa thành vật chất tinh hoa sẽ cô đọng lại để tạo tân dịch cho cơ thể. Tạng Vị thích thấp ghét táo trong khi Tạng Tỳ không ưa thấp mà ưa táo. Trong trạng thái sinh lý, Tỳ Vị hỗ trợ lẫn nhau duy trì trạng thái điều hòa và cân bằng, Tỳ hư thấp ứa trệ sẽ làm cản trở Vị khí, gây bụng đầy trướng, chán ăn. Vị thực táo nhiệt thì gây tiêu hao tân dịch của Tạng Tỳ dẫn đến khô môi miệng.
(Trích dẫn tại trang 180-184 sách Giáo trình lý luận cơ bản y học cổ truyền, chủ biên TS.BS. Lê Bảo Lưu và Ths.BS. Tăng Khánh Huy)
 

Các bài tin khác

Zalo
favebook