Phương tễ và phối ngũ

05/01/2024

I-Khái niệm phương tễ:

Ta lấy một hay nhiều vị thuốc được bào chế theo một phương pháp nhất định thông qua cách tổ chức hợp lý để chữa một bệnh, một hội chứng bệnh hay một triệu chứng bệnh gọi là Phương tễ.

Đơn phương: phương thuốc chỉ dùng một vị (độc sâm thang, ngũ vị tử ẩm)

Khi dùng 2 vị thuốc trở lên kết hợp với nhau có thể bổ sung hay hạn chế tác dụng của nhau: ngô thù du với hoàng liên, loại trừ những yếu tố không tốt của các vị thuốc kia như Sinh khương với Bán hạ, phát huy tác dụng của vị thuốc như Can khương với Phụ tử, làm giảm tính mãnh liệt của vị thuốc kia như Đại táo và Đình lịch tử

II-Kết cấu cơ bản của phương tễ

  • Quân: Là vị thuốc chính dùng để chữa chủ chứng, nguyên nhân gây bệnh, vị trí quân thường có 1-2 vị
  • Thần: Là vị thuốc có vai trò hỗ trợ quân dược tăng tác dụng chữa chủ chứng, chủ bệnh; hoặc căn cứ vào kiêm bệnh, kiêm chứng để phát huy tác dụng của thuốc
  • Tá: Hỗ trợ quân, thần làm tác dụng chữa bệnh, hoặc trực tiếp chữa kiêm chứng gọi là tá trợ dược; hoặc làm giảm tác dụng quá mạnh hay độc tính của vị thuốc chính gọi là tá chế dược
  • Sứ: Có vai trò dẫn kinh (đưa phương thuốc đến nơi có bệnh), điều hòa các vị thuốc trong phương
  • Ví dụ: Phương thuốc Ma hoàng thang (Ma hoàng, quế chi, hạnh nhân, cam thảo) chủ trị chứng cảm mạo phong hàn thể biểu thực
    • Chứng trạng: sợ lạnh, phát sốt, đau đầu, đau mình mẩy, không có mồ hôi, có khi có ho, suyễn, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù khẩn.
    • Cơ chế bệnh sinh: Do ngoại cảm phong hàn, vệ khí bị bó, dinh âm uất trệ, phế khí bất tuyên
    • Pháp trị liệu: Tân ôn phát hãn, tuyên phế bình suyễn
    • Phân tích phương thuốc:
      • Ma hoàng (Quân) vị tân tính ôn có tác dụng phát hãn giải biểu, tán phong hàn, tuyên phế khí, bình suyễn
      • Quế chi (Thần) giải cơ phát biểu, trợ giúp Ma hoàng phát hãn, tán hàn lại ôn thông kinh lạc, chỉ thống
      • Hạnh nhân (Tá) tính bình vị đắng có tác dụng giáng phế, trợ Ma hoàng bình suyễn
      • Cam thảo (Sứ) vị cam, tính ôn có tác dụng điều hòa các vị thuốc, đồng thời làm giảm sức phát hãn mãnh liệt của Ma hoàng.

III-Loại hình phối ngũ (phải có âm dương, tử mẫu, huynh đệ phối hợp)

  1. Tương tu:
    • Công dụng, tính vị ứng dụng phối ngũ giống nhau khi dùng chung làm tăng cường công dụng của nhau, hoặc sản sinh ra tác dụng tương đồng
    • Ma hoàng + Quế chi: Tăng tác dụng phát hãn giải biểu
    • Thạch cao + Chi mẫu: Thanh nhiệt tả hỏa
    • Hoàng bá + Chi mẫu: Thanh hư nhiệt, giáng hư hỏa
    • Đại hoàng + Mang tiêu: Tả hạ
  2. Tương sử
    • Hai vị thuốc có tác dụng gần giống nhau, hoặc khác nhau. Khi dùng chung một vị là quân, một vị là thần sẽ nâng cao hiệu quả điều trị
    • Hoàng kỳ bổ khí lợi thủy + Phục linh → Tăng hiệu quả điều trị
    • Hoàng cầm thanh nhiệt tả hỏa + Đại hoàng → Làm tăng tác dụng điều trị
  3. Tương úy
    • Một vị thuốc có tác dụng phụ, hoặc có phản ứng độc bị một loại khác làm mất hoặc làm giảm độc tính, hoặc tác dụng phụ.
    • VD: Sinh Bán hạ, sinh Nam tinh khi dùng với Sinh khương thì sẽ bị Sinh khương làm mất độc tính. Như vậy, sinh Bán hạ, sinh Nam tinh tương úy với Sinh khương.
  4. Tương sát
    • Một vị thuốc làm giảm, mất độc tính hoặc tác dụng phụ của vị thuốc khác
    • VD: Sinh khương có tác dụng làm giảm hoặc mất tác dụng phụ của Bán hạ và Nam tinh → Sinh khương tương sát với Bán hạ, Nam tinh
    • Tương úy, tương sát là 2 loại phối ngũ đối với thuốc độc
  5. Tương ố
    • Hai vị thuốc dùng kết hợp với nhau làm giảm hoặc mất tác dụng của nhau
    • VD: Nhân sâm ố Lai phúc tử vì Lai phúc tử làm mất tác dụng bổ khí của Nhân sâm; Sinh khương ố Hoàng cầm vì Hoàng cầm làm mất tác dụng tán hàn của Sinh khương.
  6. Tương phản:
    • Hai vị thuốc kết hợp với nhau sinh ra độc tính hoặc tăng tác dụng phụ; Có 2 loại tương phản là Thập bát phản (các loại thuốc chống nhau, cấm kỵ không được dùng) và Thập cửu úy: 19 vị thuốc tương úy
    • Thập bát phản:
      • Cam thảo phản: Đại kích, Nguyên hoa, Cam toại, Hải tảo
      • Ô đầu phản: Bối mẫu, Qua lâu, Bán hạn, Bạch liễm, Bạch cập
      • Lê lô phản: Nhân sâm, Đan sâm, Khổ sâm, Tế tân, Bạch thược
    • Thập cửu úy
      • Lưu hoàng úy Phác tiêu; Thủy ngân úy Phê sương
      • Long độc úy Mật đà tăng; Đinh hương úy Uất kim
      • Nha tiêu úy Tam lăng; Xuyên ô, Thảo ô úy Tê giác
      • Nhân sâm úy Ngũ linh chi; Nhục quế úy Xích thạch chi

Các bài tin khác

Zalo
favebook