Cách kê phương thuốc YHCT

05/01/2024

I-Những điều cần chú ý khi kê phương thuốc

  • Kê phương thuốc phải đúng thủ tục quy định đảm bảo an toàn cho người bệnh. Việc gia giảm vị biểu hiện tính chất biện chứng luận trị của YHCT để phù hợp với bệnh cảnh người bệnh, tránh tùy tiện gây tai hại và lãng phí thuốc.
  • Liều lượng ảnh hưởng đến chất lượng của điều trị, khi sử dụng liều lượng phải hết sức thận trọng
  • Việc gia giảm các vị thuốc là biểu hiện tính chất biện chứng của YHCT nhưng phù hợp với chẩn đoán và xu thế của bệnh (VD: hàn thì phải dùng thuốc nhiệt)
  • Việc phối hợp các vị thuốc là vô cùng quan trọng nhưng phải chú ý phối hợp là để tăng tác dụng hoặc do yêu cầu để giải quyết một mâu thuẫn nào trong khâu điều trị chứ không phải là tùy tiện

II-Kê phương thuốc theo lý luận YHCT

Phải nắm vững lý luận YHCT về sinh lý tạng phủ, kinh lạc; chẩn đoán chính xác hội chứng bệnh, đề ra phương pháp chữa thích hợp, nhớ được một số phương thuốc và tính năng các vị thuốc đã học.

  1. Kê phương thuốc theo cổ phương gia giảm
    • Cổ phương là những phương thuốc có kinh nghiệm điều trị tốt, được người xưa truyền lại. Thường một hội chứng bệnh tật có một phương thuốc tương ứng
    • Thường một hội chứng bệnh có một phương tương ứng
    • Bệnh cảnh lâm sàng phức tạp, mỗi phương chỉ thích ứng với nguyên nhân, tính chất và triệu chứng chính của bệnh nên tùy theo sức khỏe và bệnh tật mà thêm bớt vị thuốc và liều lượng cho thích hợp (VD: Cảm mạo phong hàn biểu thực với chứng sợ lạnh, phát sốt, đau đầu, không có mồ hôi, ho, mạch phù khẩn dùng bài Ma hoàng thang. Nếu vật vã, phiền khát gia thêm Thạch cao để thanh nhiệt gọi là Đại thanh long thang).
    • Các dạng thuốc dùng tùy theo sự cần thiết: Thuốc thang, thuốc tán, thuốc hoàn, rượu thuốc…
    • Tránh vận dụng máy móc khi các vị thuốc không đủ như hiện nay
  2. Kê theo đối pháp lập phương
    • Sau khi đề ra được phương pháp chữa bệnh, căn cứ vào tác dụng của các vị thuốc rồi kê phương thuốc theo nguyên tắc quân, thần, tá, sứ và gia giảm tạo thành phương thuốc.
    • VD:
      • Bệnh thấp tim có sưng đau các khớp, sốt, chất lưỡi đỏ, nước tiểu đỏ, mạch phù sác
      • Pháp điều trị: Khu phong thanh nhiệt, hoạt huyết, lợi tiểu
      • Phương: Thổ phục linh 16g, Hy thiêm 12g, Phòng phong 8g, Ké đầu ngựa 16g, Kim ngân hoa 16g, Kê huyết đằng 12g, Ngưu tất 12g, Ý dĩ 12g, Xa tiền 12g, Sài đất 16g; Nếu bệnh nhân ăn kém thêm Hoài sơn 12g, Bạch truật 8g, ngủ ít thêm Táo nhân 8g, Bá tử nhân 8g..
    • Phải nắm vững toàn bộ hệ thống lý luận, nắm vững tính năng và đặc điểm từng vị thuốc

III-Kê theo nghiệm phương

  1. Nhân dân ta thường dùng thuốc theo kinh nghiệm từ lâu đời, đã lưu truyền một số phương thuốc, phương pháp điều trị cũng phong phú mà đơn giản chữa một số bệnh nhất định, hay một số chứng bệnh nhất định
  2. Ví dụ: Dùng bồ công anh 100g giã lấy nước uống, bã đắp tại chỗ chữa viêm tuyến vú
  3. Hiện nay đã bào chế được nhiều phương thuốc lưu hành trên thị trường: Viên K2 (Kim ngân hoa, Ké đầu ngựa) chữa dị ứng; Viên Tô mộc chữa ỉa chảy; cốm Huyền sâm chữa viêm họng; bột Khung chỉ chữa cảm mạo…

IV-Kê theo toa căn bản: Toa căn bản gồm 2 phần

  1. Điều hòa cơ thể
    1. Loại thực chứng: Loại này thường chỉ điều hòa là chủ yếu và thường dùng 10 vị thuốc:

      10 vị thuốc trong phương có thể gia giảm theo hàn nhiệt: đi tiểu ít tăng liều lượng rễ cỏ tranh, táo bón tăng lượng Muồng trâu, hàn nhiều tăng các vị thuốc có tính ấm.

      • Nhuận gan: Rau má
      • Nhuận huyết: Cỏ nhọ nồi
      • Nhuận tiểu: Cỏ tranh
      • Nhuận tràng: Muồng trâu
      • Giải độc cơ thể: Cam thảo đất, Ké đầu ngựa, Cỏ mần trầu
      • Kích thích tiêu hóa: Trần bì, Sinh khương, Củ sả
      • Khai khiếu: Xương bồ
    2. Loại hư chứng:

      Thường là bệnh ở thể hư hàn hoặc hư nhiệt trong phần điều hòa toa căn bản chủ yếu là dùng phương pháp bổ

      • Bổ khí: Hoài sơn
      • Bổ tỳ: Mộc hương
      • Bổ vị: Thổ phục linh, Tỳ giải
      • Bổ can: Hà thủ ô, Rau má
      • Bổ thận: Cẩu tích, Tục đoạn
      • Bổ huyết: Hà thủ ô, Thục địa
  2. Tấn công bệnh: Căn cứ vào từng triệu chứng hoặc theo chẩn đoán mà dùng các vị thuốc đặc hiệu cho toa căn bản
    • Thuốc phong thấp: Khương hoạt, Độc hoạt, Ngũ gia bì, Hy thiêm, Tần giao
    • Thuốc lợi niệu: Đăng tâm, Mã đề, Mộc thông, Trạch tả, Thông thảo
    • Thuốc trừ ho: Hà diệp, Bách bộ, Hạnh nhân, Tiền hồ, Khoản đông hoa
    • Thuốc bổ khí: Đảng sâm, Bạch truật, Cam thảo, Đại táo
    • Thuốc lý khí: Hương phụ, Sa nhân, Hậu phác, Hoắc hương, Chỉ thực
    • Thuốc an thần: Toan táo nhân, Phục thần, Viễn chí, Chu sa, Ngưu hoàng
    • Thuốc cầm ỉa chảy: Ô mai, Thạch lựu bì, Kha tử, Nhục đậu khấu

Các bài tin khác

Zalo
favebook